onsen-quang-hanh-banner-1
vinpearl
banner2
previous arrow
next arrow

5 ĐIỀU KIỆN CẦN ĐỂ KINH DOANH HOMESTAY THÀNH CÔNG

5 yếu tố quyết định thành công của homestay
Rate this post

Xin chào mọi người! Các host ở đây chắc chắn đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do Cô Vy (Corona) hành hoành! Mình cũng vậy và nhân thời gian rảnh rỗi mình sẽ viết vài dòng chia sẻ cùng mọi người về những kinh nghiệm và kiến thức của mình đã có được trong thời gian kinh doanh của mình. Hy vọng mọi người sẽ đón nhận và những điều mình chia sẻ sẽ phần nào hữu ích với mọi người nhé.

Chắc hẳn mọi người đều đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi corona virut: khách hủy booking hàng loạt, không có booking mới, doanh thu giảm nghiêm trọng, nguy cơ lỗ dài trong vài tháng tới… Và câu hỏi đặt ra: Nên LÀM TIẾP hay DỪNG? Nên THUÊ TIẾP hay TRẢ NHÀ?

Để đưa ra được quyết định, chúng ta sẽ phải cân nhắc rất nhiều thứ. Vậy trước hết mọi người hãy cùng nhìn lại và xem xét “CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG CỦA MÔ HÌNH KINH DOANH HOMESTAY – CĂN HỘ – VILLA-KHÁCH SẠN” để xem mình có đủ những yếu tố này không nhé. Trả lời được những câu hỏi này thì sẽ phần nào quyết định được là mình có nên làm tiếp hay là dừng, đây có phải là hướng đi chính mình sẽ theo đuổi hay không!

(Kê hoạch xây dựng kinh doanh homestay cho người mới: Xem thêm)

“CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG CỦA MÔ HÌNH KINH DOANH HOMESTAY – CĂN HỘ – VILLA – KHÁCH SẠN”

Để 1 mô hình kinh doanh có khả năng thành công cao thì nó là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Ở đây mình chia các yếu tố đó thành Điều kiện cần và Điều kiện đủ. Các bạn đọc hãy tự nhìn nhận và đánh giá lại bản thân/công ty của mình xem mình đã có những yếu tố này chưa để đưa ra phương hướng nhé.

  • Điều kiện cần: Tiền + Thời gian + Kinh nghiệm + USP (Unique selling point) + Tinh thần dịch vụ
  • Điều kiện đủ: 1. Chi phí đầu tư hợp lý + 2 Giá bán phù hợp và Kênh bán phòng tốt + 3. Cách vận hành thông minh

1. TIỀN

Điều kiện đầu tiên mình đưa ra là tiền. Bạn sẽ cần có 1 khoản tiền nhất định để bắt đầu và duy trì hoạt động kinh doanh. Nhìn chung thì khi bắt đầu 1 cơ sở kinh doanh, bạn sẽ cần tiền để chi tiền cho các khoản sau:

(1). Tiền khảo sát + lên phương án thiết kế

(2). Tiền cải tạo + Mua sắm trang thiết bị

(3). Tiền cọc nhà + Thanh toán trước tiền nhà 3-6 tháng hoặc 1 năm

(4). Tiền đăng ký các loại giấy phép cần thiết

(5). Tiền dự trù chi phí đầu tư phát sinh (10%)

(6). Tiền dự trù chi phí vận hành, marketing

Số tiền cần chuẩn bị đối với mỗi mô hình và phân khúc sẽ khác nhau, mình sẽ phân tích kĩ ở 1 bài khác nhé. Ngày xưa mở Maia Garden Homestay mình đã lên dự toán như sau:

Nhà nguyên căn 2 phòng ngủ: 70m2. Giá thuê: 10tr/1 tháng. Không nội thất. Thanh toán 6 tháng 1 lần, cọc 1 tháng. Tiền khảo sát và lên phương án thiết kế: 150k/1m2

(1). Tiền khảo sát + lên phương án thiết kế: 150*70 = 10tr5

(2). Tiền cải tạo + Mua sắm trang thiết bị+ Chụp ảnh: 100tr

(3). Tiền cọc nhà + Thanh toán trước tiền nhà: 70tr

(4). Tiền đăng ký các loại giấy phép cần thiết: 5tr

(5). Tiền dự trù chi phí đầu tư phát sinh (10%): 10tr

(6). Tiền dự trù chi phí vận hành, marketing: 10tr

Tổng: 205,5tr.

Như vậy là tối thiểu bạn cần có 205,5tr để bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên 205,5 tr là trong trường hợp bạn kinh doanh tốt, có lãi, có dòng tiền từ việc cho thuê đều đặn. Và bạn sẽ dùng dòng tiền từ việc cho thuê đó trích ra để trả tiền thuê nhà 6 tháng cho kì đóng tiền kế tiếp. Còn nếu không đủ thì bạn sẽ phải lấy 1 nguồn bên ngoài khác để bù vào tiền nhà 6 tháng tiếp theo đó. Vậy tức là bạn nên chuẩn bị nhiều hơn 205,5tr.

Hoặc lấy ví dụ với tình hình với dịch cúm Corona hiện tại.

Trong tình hình thị trường ổn định và kinh doanh có lãi, các bạn sẽ lấy dòng tiền thu về hàng tháng để duy trì hoạt động kinh doanh và trích ra gối đầu để đóng tiền nhà cho kỳ kế tiếp. Thì khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng thậm chí là có nguy cơ không có doanh thu đầu vào trong những tháng tiếp theo, mà kỳ đóng tiền lại gần đến thì sẽ là vấn đề lớn đối với bạn. Bạn sẽ đứng giữa 2 lựa chọn, 1 là dừng kinh doanh, chỉ mất tiền cọc mà không phải lấy từ nguồn khác hoặc đi vay tiền để bù đắp vào phần đó. Hoặc bạn quyết định làm tiếp và sử dụng một nguồn tiền khác bơm tiếp vào để duy trì nó.

Vậy thì rõ ràng là bạn thấy, nếu bạn vẫn muốn tiếp tục, thì bạn sẽ phải có nhiều hơn số tiền bạn dự tính ban đầu, phải không nào? Vì vậy nên trong group mọi người mới bảo bây giờ chỉ có các bác tay to, vốn khỏe mới trụ được là vì thế.

Nếu chưa có đủ tiền bạn có thể rủ thêm người khác làm cùng để chia sẻ sẻ công việc cũng như áp lực tài chính.

2. THỜI GIAN

Yếu tố tiếp theo mình đưa ra là Thời gian. Bạn sẽ phải dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để chăm sóc và vận hành nó. Tưởng chừng như vận hành rất đơn giản nhưng sẽ có rất nhiều việc các bạn sẽ phải làm như: đưa/đón khách, check in, check out, dọn dẹp và kiểm phòng trước khi khách check in, care khách trong quá trình khách ở, xử lý sự cố, sale phòng, tối ưu các kênh OTA,….

Chi tiết các công việc cần chuẩn bị trước khi kinh doanh và cách vận hành hiệu quả mình sẽ chia sẻ ở các bài sau. Nhưng tổng hợp lại các bạn sẽ cần đầu tư thời gian cho các giai đoạn sau: Giai đoạn lên ý tưởng – Giai đoạn chuẩn bị – Giai đoạn vận hành

Để tối ưu và cắt giảm được thời gian vận hành bạn có thể tuyển co-host, ứng dụng các phần mềm công nghệ để quản lý như: btaskee, ezcloud,… Tuy nhiên để đạt được đến 1 mô hình đem đến cho bạn thu nhập thụ động và sự dư giả thời gian thì trước tiên bạn vẫn phải hành động và tự tìm ra quy trình thích hợp nhất với bản thân.

Ngày xưa khi mới mở Starfish Hostel vẫn vận hành theo cách truyền thống, mình tự làm từ A->Z và dần dần hoàn chỉnh quy trình vận hành check in, check out, dọn dẹp,…. Sau đó bắt đầu tuyển full nhân viên thì cứ đưa ra quy trình như vậy mà làm và mình chỉ quản lý từ xa thông qua 1 bạn quản lý. Đến khi chuyển sang làm Maia Homestay là mô hình homestay nguyên căn chạy trên Airbnb đầu tiên mà mình làm. 2 tháng đầu vận hành khá vất vả nhưng nhờ có những kinh nghiệm có được từ lúc làm Starfish nên mình cũng nhanh chóng vận hành trơn tru mà mất rất ít thời gian.

Vậy trước khi bắt đầu thì hãy tự hỏi “Mình có thể dành thời gian cho nó hay không?” Còn nếu vẫn còn nhiều dự định khác thì tốt nhất các bạn không nên bắt đầu. Để có để đi đến cùng thì các bạn cần có đam mê, tâm huyết với nghề chứ đừng làm ra đó mấy tháng không được như ý nản rồi bỏ.

3. KINH NGHIỆM

Yếu tố “kinh nghiệm” rất quan trọng, và nó sẽ giúp ích cho bạn và partner của bạn đạt được thành công nhanh hơn, hoặc chí ít cũng hạn chế nhiều rủi ro hơn. Nếu bạn có kinh nghiệm, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc hơn, hơn việc bạn phải nghiên cứu và thử từ đầu. Và sẽ có rất nhiều khoản “mất tiền ngu” mà sau này bạn mới nhận ra. Bạn sẽ biết thứ gì nên mua và không nên mua, trong tình huống khách có sự cố nên xử lý như thế nào, phòng này bán giá bao nhiêu là phù hợp và bán trên kênh nào sẽ nhiều khách,…. Kinh nghiệm thì không phải ai cũng có, và nếu bạn đã có kinh nghiệm trong ngành này rồi thì đó là thế mạnh của bạn hơn những người mới vào nghề.

Dĩ nhiên khi bắt đầu làm 1 thứ mới thì không ai là có kinh nghiệm hết, phải lăn vào làm thì mới có kinh nghiệm. Sau khi các bạn đọc bài này của mình, thay vì bắt tay vào làm luôn, đến đâu tính đến đấy thì các bạn có thể dành thêm thời gian để trau dồi, bổ sung nhưng thứ mình đang thiếu, café học hỏi những người đi trước. Khi đó tham gia thị trường cũng chưa muộn! Đánh trận thì phải trang bị đầy đủ vũ khí, áo giáp, chiến lược phải không các bạn? Hoặc các bạn có thể tìm 1 partner kinh nghiệm đầy mình rồi song kiếm hợp bích là ok.

4. USP (Unique selling point => Tìm điểm khác biệt để cạnh tranh

Mỗi ngành kinh doanh cần có những lợi thế riêng và mỗi người lại có lợi thế của riêng mình. Có những nghề sinh ra để dành cho bạn và đương nhiên, có những nghề thì ngược lại. Đối với ngành này thì có thể đó là: bạn là một người rất tinh tế, giao tiếp giỏi. Bạn rất giỏi trong việc làm hài lòng khách hàng, việc này sẽ giúp cho khách bạn thích bạn và cho bạn nhiều review 5 sao. Hoặc bạn có mắt thẩm mỹ rất tốt nên décor của nhà bạn rất đẹp, bạn có nguồn khách riêng từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản hoặc Thái Lan,…

Lấy ví dụ về gu thẩm mỹ đi. Các bạn hãy tự hỏi lại mình xem “Mình có mắt thẩm mỹ không” “Gu thẩm mỹ của mình có độc đáo và sẽ nhiều người thích không” nhé. Thực sự điều này không nhiều người nghĩ đến. Không phải chỉ có 1 cái phòng đưa giường đưa đệm rồi thêm vài bông hoa, bức tranh vào là bán được phòng.

3 yếu tố để bán được nhiều phòng là: “PHÒNG ĐẸP+VÍ TRÍ TỐT+GIÁ HỢP LÝ”. 1 ngôi nhà có tính thẩm mỹ cao và phù hợp thị hiếu của nhiều người sẽ thu hút khách hơn rất nhiều. Hơn nữa nếu bạn có thẩm mỹ tốt thì bạn có thể tự décor và lên ý tưởng cho ngôi nhà của mình, tiết kiệm được chi phí thuê thiết kế, có những nhà tiền thiết kế còn mấy chục triệu đến vài trăm đó nhé. Hoặc những căn mà mình làm mình đều tự decor và tự tìm chỗ mua nên tiết kiệm được 1 khoản.

5. TINH THẦN DỊCH VỤ

Là người làm dịch vụ nên bạn cần có tư duy và thái độ của 1 người làm dịch vụ. Nghề dịch vụ là nghề “làm dâu trăm họ” nên khi xác định bước chân vào ngành này bạn nên cần xác định tinh thần trước là sẽ có rất nhiều trường hợp xảy ra. Không phải khách nào cũng nice, thân thiện và sạch sẽ, lịch sự. Người làm dịch vụ tốt là người lường trước được các tình huống để đưa ra giải pháp và biết cách xử lý hợp lý mà 2 bên vẫn vui vẻ.

Mình đã gặp rất nhiều chủ đầu tư rất giàu nhưng họ không tư duy dịch vụ, vì vậy khi vận hành gặp rất nhiều khó khăn trong việc take-care khách và vì thế điểm review rất thấp. Điều mình hay làm là mình tự đặt vị trí của mình vào khách hàng để suy nghĩ cách giải quyết: “Nếu mình hành động như vậy thì khách hàng sẽ cảm thấy như thế nào?”

Bình tĩnh – Kiên nhẫn – Nhẫn nhịn – Linh Hoạt – Cứng rắn khi cần thiết các bạn nhé

Ngày xưa lúc mới làm mình cũng không biết cách đâu nhưng may mắn hướng dẫn bởi những anh chị đi trước có Tâm và có Tầm nên mình học hỏi được nhiều thứ về mindset dịch vụ lắm.

Trên đây mình đã phân tích 5 điều kiện cần: Tiền + Thời gian + Kinh nghiệm + USP + Tinh thần dịch vụ

Nhưng để hoàn thiện và đầy đủ hơn thì các bạn cần có 3 điều kiện đủ mình sẽ phân tích ở bài sau nhé. Lưu ý giúp mình là những điều kiện này các bạn đều cần có, chứ không phải chỉ có 1 hoặc 1 số trong những điều kiện đó. Đó là lý do mình dùng hình bánh xe để minh họa cho sự liên kết giữa các yếu tố này. Khi tất cả các bánh xe đều quay trơn tru, phối hợp nhịp nhàng với nhau thì vòng tròn bánh xe mới có thể lăn bánh được thuận lợi. Chỉ cần 1 bánh xe bị hỏng, trì hoãn và ngưng lại thì sẽ làm cả vòng xe bị dừng lại hoặc chệch khỏi đường ray ngay.

Hiện tại mình đang nhận tư vấn và set up về tiện ích, quy trình vận hành cũng như hệ thống sale OTA cho các homestay và căn hộ. Mình đang mong muốn làm việc và hợp tác với đơn vị nào kinh doanh theo chuỗi/hệ thống lớn thiếu nhân sự về mảng chiến lược, quản lý và training. Đơn vị nào đang có nhu cầu vui lòng liên hệ với mình nhé!

Hẹn gặp lại các bạn ở bài chia sẻ sau!

 

Trả lời

error: Content is protected !!
Contact Me on Zalo
Call Now Button0918.576.489
0918.576.489
icons8-exercise-96